Thứ bảy, 20/04/2024, 1:32 AMChào Mừng Guest | RSS
Well come to THCS Thu Ngạc
Các trang bạn thích
cuộc thăm dò của chúng tôi
Đánh giá trang web:
Tổng số câu trả lời: 9
Thống kê

Tổng cộng: 1
Khách: 1
Thành viên: 0
Đăng nhập từ
Trang chủ » 2012 » Tháng 5 » 4 » Điện ngược Đèo Mương
5:48 PM
Điện ngược Đèo Mương

PTO- Từ trụ sở xã, anh Phùng Đức Lưu, Trưởng khu Đèo Mương, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn quả quyết: Cứ lên xe tôi, một tiếng là đến bản thôi mà.

Tôi yên tâm leo lên xe máy của tay lái vững chắc nhất Đèo Mương. Sau dăm phút, chúng tôi đã bỏ lại con đường nhựa nhỏ gồ ghề và bắt đầu ngược đèo, ngược dốc. Con đường dốc cao vun vút như lên trời, đầy những đá, rãnh nước mưa xoáy sâu vào nền đường. Thế nhưng con đường này vẫn được bà con Đèo Mương gọi là con đường "thiên lý”. Vì mấy năm về trước, khi mà xuống xã, bà con chỉ có chân đất vượt đèo, chứ không loại giầy dép nào chịu nổi với con đường khi trơn như đổ mỡ, lúc dính như keo. Nay trời nắng xe gầm cao đã bò được tận bản.

Cheo leo dốc núi Đèo Mương.
Cheo leo dốc núi Đèo Mương.

Đi một đoạn chiếc xe Wave "tầu" của anh Lưu không chịu được sức nặng của hai người, giở chứng kêu lục khục như cho đá vào máy. Chúng tôi phải hai lần tăng bo và tăng xích, mới đến bản. Từ UBND xã vào bản khoảng 8 km, thì có tới 6 km là vượt đèo. Đường sống trâu, nhiều đoạn lên thẳng đứng. Tôi phải gồng mình lên để nắm càng xe giữ thăng bằng với bàn tay mỏi nhừ và xương khớp đau ê ẩm.

Men theo con đường đèo, điện cao thế được kéo về tận bản. Đường điện bám theo sườn núi, nhiều đoạn, người cao hơn dây. Có những khúc băng qua hẻm núi, dây điện mỏng manh như sợi chỉ vắt qua trời. Đường điện lưới quốc gia được kéo từ Trung tâm xã lên Đèo Mương do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ dự án có chiều dài 5,3km. Đây là đường dây 35KV cấp điện cho trạm biến áp 250KVA-35/0,4KV cung cấp điện cho toàn bộ khu Đèo Mương. Theo dự kiến vào Tết Nguyên đán Tân Mão đường điện sẽ được đóng, nhưng mãi tận dịp mùng 2-9 năm 2011, điện lưới Quốc gia mới bừng sáng nơi đây.

Trước khi vào bản, chúng tôi đến thắp nén hương cho anh Nguyễn Văn Vấn, nguyên trưởng khu Đèo Mương mới qua đời. Trên bàn thờ cùng với tấm di ảnh của anh là chân dung người cha liệt sĩ. Anh mất đi để lại người mẹ già năm nay đã ngoại tám mươi, tuy đầu óc còn minh mẫn, nhưng mắt đã mờ đi vì khóc thương những người đã khuất.

Lần theo con suối cạn, đi lang bang trong bản. Đèo Mương bốn bề núi vây quanh. Những nếp nhà lá nhỏ nhoi, nép dưới đại ngàn. Đường vào nhà Trưởng khu Lưu có chiếc cầu làm bằng thân cọ bắc ngang qua con suối, nhưng đã gẫy mất mấy "dầm cầu”, nên chúng tôi đành để xe ngoài suối. Anh Lưu nói vui: Để xe ở đây không mất tiền như ngoài Việt Trì đâu nhé.

Bố anh Lưu - Cụ Phùng Đức Khang, nguyên cán bộ xã, lúc chúng tôi đến, lão đồng chí đang sửa soạn cho mình bộ quần áo đẹp nhất để hôm sau xuống xã nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Hỏi chuyện đời, chuyện bản cụ Khang tâm sự: Thế này nhé, trước kia không có điện cơm xong là đi ngủ, chỉ cánh trẻ dám đốt đuốc mò mẫm đi tìm người thương mới ra khỏi nhà thôi!

 Trưởng bản Lưu khọt khẹt chỉnh lại máy tăng âm của hệ thống loa truyền thanh trong bản. Tiếng cô phát thanh viên trong dần, lúc này anh mới chĩa mic vào máy để tiếng nói phát đi khắp bản. Khi chưa có điện, muốn thông báo điều gì thì phải đến từng nhà. Mất công lắm. Nay chỉ cần tách một cái là "thằng mồm sắt” đưa tin khắp bản. Chẳng ai là không biết. Ti vi mầu nhà nào cũng có. Nếu ai ở dãy núi phía Yên Lập thì không xem được đài tỉnh, còn phía bên Tân Sơn thì xem "nét” như Việt Trì vì bà con bắt sóng chuyển tiếp từ Thanh Sơn. Qua mấy nhà trong bản, hỏi chuyện tivi bà con cho biết: Đừng cậy to cao mà bắt được nhé. Có nhà cứ rút ăng ten râu lên là xem được, còn cho lên cao là chỉ thấy "muỗi” thôi. Bởi bước sóng tín hiệu ti vi lên xuống theo hình sin, nên đôi khi cho lên cao là lệch sóng, không bắt được tín hiệu.

Trước kia, chỉ những nhà gần suối mới có điện nhờ thủy điện nhỏ. Nhưng cũng phập phù, phụ thuộc vào nguồn nước. Tôi hỏi vui: Dùng điện bây giờ mất tiền có tốn hơn trước không? Chàng trai người Mường đang mò cá ven suối mà tôi chưa kịp hỏi tên trả lời rất "kinh tế”: Rẻ hơn đấy, trước mỗi tháng hỏng một vòng bi, thay tiền cũng chẳng kém bây giờ trả tiền điện. Có điện sướng lắm chứ: Đi làm về kiếm được mớ củi nhóm toét cả mắt mới bắc được nồi nước. Nay có nồi cơm điện, chỉ cần nấu thức ăn thôi, vừa sạch mà còn tranh thủ làm được ối việc khác.

Lão đồng chí Phùng Đức Khang, sau chén rượu nồng trên nếp nhà sàn nép nghiêng vào núi đã phấn chấn đọc cho chúng tôi câu thơ ca ngợi sự đổi thay của bản mình: Núi rừng điện sáng thay sao/Nông dân có máy thay trâu cày đồng”. Được sự quan tâm của trên, Đèo Mương đã được hỗ trợ hai chiếc máy bừa để bà con làm đất. Vào lúc làm mùa, tiếng máy nổ ròn rã trên cánh đồng thay dần tiếng thét những con trâu biếng làm, tranh thủ liếm láp ngọn cỏ ven bờ ruộng.

Cũng lạ cho đất Đèo Mương, mới 4 giờ chiều mà sương núi đã bốc lên ngùn ngụt, tựa nồi thắng cố khổng lồ đang sôi ùng ục, nhả khói lên trời. Sương và mây đẩy nhanh mặt trời xuống núi. Bóng tối loang nhanh khắp thung sâu Đèo Mương. Mới 5 giờ chiều mùa hè mà nhà nhà đã lên đèn. Tiếng sừng trâu đánh muỗi va cung kênh vào văng chuồng. Mấy chú bò ợ hơi đưa cỏ lên nhai lại vào buổi tối. Trong khi đó, nếu ở Việt Trì trời vẫn còn nắng.

Mặc dù đã có điện, một trong những cái thiếu, cái khó của Đèo Mương đã lùi bớt, nhưng đời sống bà con vẫn còn nhiều vất vả. Qua trao đổi với Trưởng khu Phùng Đức Lưu chúng tôi được biết: Tỷ lệ hộ nghèo ở đây mặc dù đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn cao ngất ngưởng tới 59%! Như các cụ nói "giấu giầu chứ giấu sao được nghèo”. Cái nghèo hiện hữu khắp bản. Cả bản chỉ có ba nhà lợp prô xi măng, còn lại là nhà lá.

Cố Trưởng khu Đèo Mương Nguyễn Thanh Vấn với những gốc Ly trồng thử nghiệm.
Cố Trưởng khu Đèo Mương Nguyễn Thanh Vấn với những gốc Ly trồng thử nghiệm.
Bà con Đèo Mương cũng chịu khó mầy mò tìm cách làm ăn. Thế nhưng trời chẳng mấy khi chiều lòng người. Ngoài đường xá khó khăn, thì điệp khúc mất mùa được giá, được giá mất mùa diễn ra liên tục. Nếu như vụ trước sắn được giá và đã bán hết từ lâu, thế nhưng vào giữa tháng tư, mọi năm vào thời điểm này sắn vụ mới đã lên chồi nhưng nay những vạt sắn ven rừng vẫn còn nhiều. Và cũng ít thấy trồng sắn mới. Thương lái lên trả giá 500 đồng/kg, bà con chẳng bán, vì không bõ công thu hoạch.

Để Đèo Mương thoát nghèo, tỉnh và huyện đã có nhiều sự quan tâm. Nhiệt độ ở đây thấp hơn các nơi khác rất thích hợp cho trồng các loại cây ôn đới trái mùa, trái vụ. Những năm trước, Công ty CP Giống - Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam đã mang hoa ly vào trồng thử nghiệm và đã cho kết quả tốt. Thế nhưng với đường xá như hiện nay nếu có trồng được hoa ly thì khâu vận chuyển xuống núi cũng là một bài toán không đơn giản.

Anh Phùng Văn Lý, Phó Chủ tịch HĐND xã, hàng ngày xuống xã làm việc phải dậy từ 5 giờ sáng để xuống núi. Cùng thời gian đó, các cháu học sinh THCS cũng đốt đuốc tới trường. Anh Lý cho biết: Con đường lên bản chúng tôi đã được khảo sát nhiều lần. Lúc thì nghe nói đến bản, lúc thì nói sang tận Yên Lập, nhưng chúng đã thấy gì đâu? Cái mà bà con cần nhất bây giờ là vốn để phát triển sản xuất. Đèo Mương đất rộng rất thích hợp cho chăn nuôi đại gia súc. Trâu bò sẵn cỏ, con nào con ấy căng mọng như sim chính. Cùng với đó bà con có thể nuôi các giống đặc sản như lợn lửng, gà đồi, ngan, vịt suối, hoa quả ôn đới… Nhưng nếu có sản phẩm rồi mà đường như hiện nay thì cũng khó đem xuống xã bán được. Như sắn đấy, bà con bị ép giá nhiều lắm!

Anh Lý cho biết thêm: Bà con Đèo Mương không những cần vốn mà còn mong muốn cán bộ hướng dẫn, chuyển giao KH-KT vì dân trí còn hạn chế. Và chúng tôi cũng muốn có sóng điện thoại di động để tiện về thông tin liên lạc, góp phần phát triển KT-XH của bản.

Hiện nay, điện thoại kéo dài của Viettel đã "bò” vào tới bản. Còn sóng di động khác lấp ló mãi ngoài dốc xa. Cánh thanh niên trong bản "ăn chơi” sắm điện thoại di động, muốn gọi cho ai là phải lựa thế núi mới "tóm” được sóng, để nói phập phù mấy câu, hoặc nhắn cái tin. Còn muốn alô thỏa mái thì phải ra ngoài xã, lúc ấy sóng mới căng đủ vạch.

Những mong muốn của anh Lý, cũng là mong muốn của bà con Đèo Mương trên đường vươn lên thoát nghèo. Để cái lạnh của mùa hè không phải là điều bất lợi mà là thế mạnh của Đèo Mương trong sản xuất, kinh doanh.
Lượt xem: 463 | Đăng bởi: thungacts | Đánh giá: 0.0/0
Tổng nhận xét:: 0
dth="100%" cellspacing="1" cellpadding="2" class="commTable">
Tên *:
Email:
Nhập mã bên *:
lịch
«  Tháng 5 2012  »
CNHBTNSB
  12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031
mục lưu trữ
[13/05/2012]
"Đọc - chép" - một số vấn đề cần trao đổi (0)
[14/05/2012]
Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (Khóa X) về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp (12)
[05/05/2012]
Các biểu mẫu sơ kết học kì II năm 2012 (0)
[09/05/2012]
Các file điểm học kì II các lớp (2)
[13/05/2012]
Cắt xén chương trình là có tội với học sinh (0)
[13/05/2012]
Chấm dứt dạy “biểu diễn” (0)
[13/05/2012]
Cô giáo Dương Thị Hoàn được trao bằng Lao động sáng tạo (0)
[04/05/2012]
Gieo chữ nơi đại ngàn (0)
[08/05/2012]
Hướng dẫn hoàn thiện phiếu đánh giá công chức (1)
[04/05/2012]
Hướng dẫn xét TN THCS năm học 2011 - 2012 (0)